Có thể bạn không nhận ra, nhưng hầu như chúng ta đều đã biết thực hiện Marketing ngay từ khi còn rất nhỏ.
- Bạn đã cho các bạn cùng lớp biết tên của mình, nhà ở đâu.
- Bạn đã có truyền thông cho những người xung quanh biết bạn có khả năng gì (trèo cây, bơi lội, hát, giỏi 1 bộ môn nào đó….) có thể là thông qua kể chuyện hay là thực hiện cho họ thấy.
Nhưng khi thành lập một doanh nghiệp, chúng ta lại quên rằng, Marketing là một trong những công tác quan trọng để giúp nhiều khách hàng biết đến mình hơn. Từ đó việc tìm kiếm khách hàng mới luôn là một trong những bài toán khó với nhiều doanh nghiệp.
Đối với ActionCOACH, Marketing là một bài toán và có các công thức để thực hiện Marketing. Việc còn lại của tôi và các đồng nghiệp là chọn để thực hiện và chọn để giúp các Doanh nghiệp áp dụng để tăng số lượng khách hàng tiềm năng của doanh nghiệp lên.
Tuy nhiên, là một bài toán, nên cũng sẽ có những lỗi thường mắc phải, và đây là các lỗi thường gặp phải trong hoạt động Marketing mà doanh nghiệp cần phải tránh.
1. Không có 1 đội ngũ Marketing cho Doanh nghiệp
Điều này chứng tỏ trong doanh nghiệp của bạn không có ai được giao nhiệm vụ thực hiện Marketing và doanh nghiệp sẽ không có số lượng khách hàng tiềm năng mới, từ đó dẫn đến không có (hoặc rất ít) khách hàng mới.
Và điều gì xảy ra cho doanh nghiệp khi không có khách hàng mới? Doanh nghiệp sẽ tồn tại được trong bao lâu? Nhất là trong thời đại hầu hết mọi thông tin đều được tìm kiếm từ internet.
Ai sẽ viết bài facebook, linkedin? Ai sẽ đăng lên youtube? Ai sẽ chăm sóc website? Ai sẽ đem về khách hàng tiềm năng cho doanh nghiệp. Hay thậm chí, có rất nhiều khách hàng tiềm năng đang có nhu cầu, cũng không biết doanh nghiệp đang tồn tại ở đâu.
Có 3 nhóm nhân sự thực hiện các hoạt động Marketing khác nhau mà bạn cần lưu ý:
- Marketing trực tiếp: nhóm này sẽ thực hiện các công việc gửi email, gọi điện trực tiếp, gửi bưu thiếp, brochure… đến những người mà họ đã có thông tin.
- Marketing online: thực hiện các hoạt động liên quan tới website, SEO, facebook, linkedin và các mạng xã hội…. một việc không thể thiếu trong thời đại hầu hết các công việc tìm kiếm đều thông qua internet.
- Marketing qua kết nối trực tiếp (face to face): họ sẽ tham dự cộng đồng offline, xây dựng liên minh chiến lược, tổ chức sự kiện và gặp (hoặc được gặp bởi) khách hàng tiềm năng của doanh nghiệp.
Vậy mỗi tuần Doanh nghiệp của bạn đang dành bao nhiêu thời gian để thực hiện Marketing?
Nếu doanh nghiệp của bạn là doanh nghiệp 1 người thì lẽ dĩ nhiên, bạn sẽ phải phân vai của mình là 1 nhân viên Marketing vào ngày nào, giờ nào trong tuần và thực hiện theo lịch đã đề sẵn.
Marketing là một quá trình cần thời gian để có kết quả, vì vậy hãy thực hiện nó đều đặn mỗi tuần.
2. Tập trung vào chính mình, thay vì khách hàng
Mỗi doanh nghiệp đều có thế mạnh của mình, từ số năm kinh nghiệm, số lượng nhân viên, các công thức độc quyền, những sản phẩm tuyệt vời, những dịch vụ tuyệt hảo… mà những nơi khác không hề có được.
Nhưng cần chú ý thêm, khách hàng sẽ nhận được gì từ những thế mạnh của bạn, thay vì “chúng tôi có…” hãy thêm vào “bạn sẽ nhận được…”.
Những khách hàng tiềm năng tìm đến với bạn chỉ với 1 mong muốn, tìm được điều gì đó cho họ. Vì vậy, hãy cho họ thấy họ sẽ nhận được điều họ muốn, họ đến không phải vì chỉ để biết chúng ta là ai.
Hãy luôn chú ý đến 3 điều cần thiết cho Marketing:
- Sự thật (Fact): chúng tôi có gì?
- Lợi thế (Advantage): chúng tôi có gì nổi bật, có gì khác biệt so với những nơi khác?
- Lợi ích (Benefit): khách hàng sẽ nhận được gì?
Một mẫu quảng cáo với nội dung đầy đủ 3 ý trên có thể ví dụ như sau:
“Sản phẩm vỏ xe của chúng tôi có gân thép bên trong, được thử nghiệm và chứng minh là có tuổi thọ và độ bền tốt nhất, giúp cho bạn an toàn hơn khi sử dụng và còn tối ưu chi phí cho bạn”
Vì vậy, luôn nhớ công thức FAB và đặt trọng tâm vào khách hàng nhận được gì, không phải là chúng ta có gì nếu bạn muốn có nhiều khách hàng tiềm năng hơn.
3. Định giá không đúng với giá trị của sản phẩm
Khách hàng mua sản phẩm không phải chỉ để mua sản phẩm, mà họ mua những giá trị mà sản phẩm đem lại cho họ.
Khi 1 khách bước vào 1 cửa hiệu và họ nhận thấy cùng một loại sản phẩm (ví dụ xe hơi):
- Xe hiệu A giá rẻ nhất
- Xe hiệu B giá trung bình
- Xe hiệu C giá cao nhất
Ngay lập tức, vị khách này sẽ kết luận xe hiệu A có chất lượng kém hơn cả, và xe hiệu xe là loại xe tốt nhất trong 3 loại. Vì vậy, hãy tăng giá trị của sản phẩm lên tương xứng với chất lượng, thay vì giảm giá thành của sản phẩm xuống. Trong nhiều trường hợp, việc giảm giá sẽ chỉ khiến khách hàng mong muốn bạn sẽ giảm giá thêm trong nhiều lần khác, và họ sẽ chỉ mua khi bạn giảm giá.
Vì vậy, hãy định giá sản phẩm, dịch vụ của mình dựa theo giá trị, dựa theo chân dung khách hàng mà bạn đang nhắm đến, không phải vì thị trường, không phải vì đối thủ, nếu bạn không muốn giảm lợi nhuận của mình xuống nhiều hơn.
4. Không nắm được các con số từ MKT
Bạn đang có bao nhiêu khách hàng tiềm năng mỗi tuần? Bao nhiêu khách hàng tiềm năng đến từ kênh MTK nào? Kênh MKT nào đang hoạt động hiệu quả? Kênh MKT nào đang là “Chi phí” của bạn, chứ không phải là “đầu tư”? Vì vậy, có 2 hoạt động mà MKT cần thực hiện:
- Đầu tiên là thử nghiệm: không ai có thể nói chắc chắn việc MKT nào của bạn sẽ hiệu quả bao nhiêu %, hiệu quả như thế nào, sẽ thu hút được bao nhiêu khách hàng tiềm năng. Vì vậy, việc của bạn cần thực hiện là hãy thử nghiệm, hãy thực hiện nó đi đã. Tuy nhiên, không phải chỉ chọn 1 chiến lược Marketing bất kỳ và rồi cắm đầu vào thực hiện, vẫn có những yếu tố giúp cho bạn thấy được mức độ thành công của chiến lược Marketing này sẽ cao hơn chiến lược Marketing khác.
- Tiếp theo là cần phải đo lường: đo lường hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng… định kỳ tùy theo quy mô và loại hình DN của bạn. Từ đó, bạn sẽ có thể trả lời các câu hỏi trên, và sẽ có những quyết định đúng đắn cho việc “đầu tư” vào kênh MKT nào, ngừng/duy trì/tăng thêm hay sẽ giảm xuống.
Sự thật, 80% các chiến lược Marketing thường sẽ không đem lại kết quả, vì vậy, hãy luôn “thử nghiệm, kiểm tra và đo lường” liên tục. Không phải một ai khác, khách hàng tiềm năng là người sẽ nhận định và kết luận chiến lược Marketing của bạn có hiệu quả hay không.
Có thể việc này sẽ tốn nhiều thời gian, công sức và tiền bạc, nhưng bạn cần phải thực hiện, nếu muốn doanh nghiệp của bạn có nhiều khách hàng hơn, doanh thu và lợi nhuận cao hơn.
5. Thiếu chiến lược Marketing
Đừng chỉ sử dụng 1,2 kênh MKT. Hãy sử dụng 7-10 kênh đang có hiệu quả và đem lại nguồn khách hàng tiềm năng cho bạn, nếu bạn muốn thật sự phát triển và mở rộng doanh nghiệp lên. Vì luôn có số lượng khách hàng rời bỏ doanh nghiệp chúng ta vì nhiều lý do khác nhau, nên luôn cần phải có một lượng khách hàng (tiềm năng) mới để bù vào số lượng này.
Cũng như khách hàng, sẽ có kênh MKT dần mất hiệu quả, và vì vậy, hãy luôn thử nghiệm, kiểm tra và đo lường liên tục các chiến lược mới mà bạn đang biết, để đảm bảo rằng bạn luôn có 7-10 kênh hoạt động hiệu quả, nhất là trong thời đại mọi thứ đều đang thay đổi rất nhanh và số lượng doanh nghiệp cùng ngành, cung cấp sản phẩm và dịch vụ tương tự như bạn luôn tăng thêm mỗi ngày.
(To be continued)
COACH Neo Nguyễn Đình Bảo