Một doanh nghiệp muốn phát triển luôn cần có đội ngũ thực chiến. Nếu đội ngũ này được hỗ trợ và dẫn dắt bằng một người có kỹ năng lãnh đạo mạnh mẽ thì sẽ giống như con tàu ra khơi mà có một vị thuyền trưởng giỏi. Một lãnh đạo giỏi là yếu tố cốt tử cho sự thành công của doanh nghiệp. 

Kỹ năng lãnh đạo là gì? 

Kỹ năng lãnh đạo là việc dùng kinh nghiệm để định hướng, sắp xếp các cá nhân hoặc bộ phận phối hợp với nhau để hoàn thành mục tiêu chung của doanh nghiệp. 

kỹ năng lãnh đạo cần thiết cho sự phát triển của doanh nghiệp
Kỹ năng lãnh đạo đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp.

Kỹ năng lãnh đạo là tổng hòa của nhiều kỹ năng cũng như kiến thức ở nhiều khía cạnh khác nhau. Chính vì thế, người lãnh đạo cần không ngừng trau dồi và học hỏi mỗi ngày để dẫn dắt được đội ngũ đi đúng hướng. 

Vai trò của kỹ năng lãnh đạo đối với doanh nghiệp

Bất kỳ một doanh nghiệp nào cũng cần một người lãnh đạo tài giỏi đồng hành. Một người lãnh đạo có đầy đủ những phẩm chất, kinh nghiệm để dẫn dắt đội ngũ đi theo sứ mệnh đã đề ra. 

Người lãnh đạo trong doanh nghiệp được ví như người thuyền trưởng của con thuyền, luôn biết cách để lèo lái con thuyền di chuyển đúng hướng và đến đích một cách nhanh nhất. Vai trò của người lãnh đạo trong doanh nghiệp vô cùng quan trọng: 

  • Định hướng hành động cho đội ngũ. 
  • Định hướng chiến lược phù hợp. 
  • Truyền cảm hứng và tập hợp sức mạnh của các cá nhân. 
  • Hỗ trợ đội ngũ nhân viên kịp thời. 
  • Khai tâm theo hướng tích cực cho nhân viên. 
  • Điều hòa các mối quan hệ giữa đội ngũ. 

Chính bởi những vai trò quan trọng này mà kỹ năng lãnh đạo là vô cùng quan trọng và cần thiết. Đặc biệt là trong các doanh nghiệp lớn với các bộ phận phân cấp từ cao đến thấp. Việc có được một đội ngũ lãnh đạo với kỹ năng lãnh đạo hoàn thiện sẽ giúp công việc trơn tru, doanh nghiệp đạt được mục tiêu ở mọi cấp độ. 

4 yếu tố chính ảnh hưởng tới kỹ năng lãnh đạo

1. Kỹ năng nhận thức

Kỹ năng nhận thức giúp nhà lãnh đạo có thể nắm bắt nhanh chóng được các xu thế phát triển, những cơ hội, thách thức. Thậm chí sẽ dự đoán được những thay đổi và đưa ra được những chiến lược phù hợp với tầm nhìn của tổ chức. 

nhận thức là khả năng lãnh đạo quan trọng
Người lãnh đạo cần có khả năng nhận thức nhanh nhạy.

Một số kỹ năng liên quan tới kỹ năng nhận thức là: 

  • Kỹ năng phân tích
  • Kỹ năng tổng hợp vấn đề
  • Kỹ năng suy nghĩ logic

2. Kỹ năng quan hệ xã hội

Người đồng sáng lập của Tổ chức tư vấn Cambridge Leadership Associates đồng thời là trợ giảng trường Harvard – Martin Linsky cho biết: “Kỹ năng cần thiết cho việc lãnh đạo hiệu quả là kỹ năng tạo lập mối quan hệ, khác với những chuyên môn cụ thể”. 

Kỹ năng quan hệ xã hội gồm khả năng nhận thức về hành vi của con người. Đồng thời nó cũng bao gồm việc tạo lập mối quan hệ mới giữa người với người. Với kỹ năng “hiểu người” này sẽ giúp các nhà lãnh đạo có thể sử dụng “đúng người đúng việc”, truyền cảm hứng và tạo động lực cho cấp dưới hiệu quả hơn bao giờ hết. 

Những khả năng liên quan tới kỹ năng quan hệ xã hội gồm: 

  • Kỹ năng giao tiếp
  • Kỹ năng truyền cảm hứng và tạo động lực cho đội ngũ
  • Khả năng xây dựng sự tin cậy 

Có rất nhiều nhà lãnh đạo đã “vấp ngã” khi cố gắng áp dụng cứng nhắc những chuyên môn trước đây vào công việc. Trong khi cái họ cần lại là những kỹ năng quan hệ xã hội, hiểu biết con người và đặc biệt là sự nhạy bén về mặt cảm xúc. 

3. Kỹ năng công việc

Kỹ năng này liên quan tới các kiến thức, kỹ năng về một lĩnh vực chuyên biệt nào đó. Ngoài ra, nó còn bao gồm cả kỹ năng quản lý và lập kế hoạch của một nhà quản lý. 

Tất nhiên, không ai có thể hội tụ đủ những kỹ năng này ngay lập tức. Chính vì thế, người lãnh đạo cần luôn trau dồi, học tập và phát triển để lấp đầy những khiếm khuyết của mình. 

4. Thái độ – Yếu tốt mấu chốt ảnh hưởng tới kỹ năng lãnh đạo

Đây là một yếu tố vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới kỹ năng lãnh đạo của các nhà lãnh đạo. Thái độ có thể không giúp một người trở thành nhà lãnh đạo tài ba. Nhưng nếu không có một thái độ tích cực thì bạn sẽ không bao giờ hoàn thiện và phát triển hết được khả năng của mình. 

thái độ là yếu tố quyết định việc phát triển kỹ năng lãnh đạo
Thái độ ảnh hưởng lớn tới việc phát triển khả năng lãnh đạo cũng như thành công của một người.

Theo một nghiên cứu lý lịch của Học viện Carnegie trên 10 nghìn người:

  • 15% người thành đạt thành công là nhờ kỹ năng chuyên môn,
  • 85% còn lại thành công là do tính cách. 

Nghiên cứu này cũng đã chỉ ra tầm quan trọng của việc thành công chính là thái độ. Thái độ tích cực giúp chúng ta có cái nhìn rộng mở hơn. Thái độ tích cực giúp chúng ta chế ngự những cảm xúc của bản thân. Những điều này là nhân tố quan trọng định đoạt thành công của chúng ta.

10 phẩm chất lãnh đạo cần có để giúp đội ngũ chiến thắng

1. Nhiệt huyết với công việc

Mọi người luôn có cảm tình và đáp lại những lãnh đạo nhiệt huyết với công việc, doanh nghiệp hay cuộc sống. Nhiệt huyết của lãnh đạo sẽ lan tỏa, khích lệ các thành viên của đội ngũ, khiến họ làm việc hết mình. 

2. Có trách nhiệm với đội ngũ

Cần phải có nhiệt huyết với công việc, nhưng tất nhiên, chỉ nhiệt huyết thôi không đủ làm nên một nhà lãnh đạo mạnh mẽ. Một phẩm chất nhất định phải đi cùng với đó là trách nhiệm. Một lãnh đạo mạnh mẽ sẽ luôn nhận trách nhiệm cho hoạt động của toàn đội ngũ. 

chịu trách nhiệm là một phẩm chất quan trọng trong kỹ năng lãnh đạo
Là một người lãnh đạo giỏi, họ cần biết cách chịu trách nhiệm với quyết định của mình.

Điều thực sự quan trọng là người lãnh đạo phải có quyết định một cách dứt khoát, đồng nghĩa với việc phải chịu trách nhiệm cho các quyết định này cùng những hệ quả phát sinh. Ngoài ra, phải kể đến khả năng theo đuổi đến cùng nữa – nghĩa là thấy được kết quả tối hậu của các quyết định quản lý và chịu trách nhiệm hoàn toàn với chúng. 

3. Có tư duy chiến lược 

Tư duy chiến lược chính là chìa khóa để một người lãnh đạo thành công trong sự nghiệp và cuộc sống. Sở hữu tư duy logic và sáng suốt sẽ giúp người lãnh đạo có những nhận định, phân tích sâu sắc. Từ đó, đội ngũ sẽ cùng nhau lập nên những kế hoạch hiệu quả cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp đạt mục tiêu đề ra. 

4. Kỹ năng quản lý con người 

Đội nhóm là nơi hội tụ nhiều con người cùng làm việc và sinh hoạt trong một môi trường. Mỗi người một suy nghĩ, mỗi người một tính cách, mỗi người lại có điểm mạnh, điểm yếu khác nhau. Chính vì thế, người lãnh đạo cần khéo léo để sử dụng người phù hợp với điểm mạnh của họ. 

Người lãnh đạo cần có cách phù hợp để xử lý mâu thuẫn nội bộ. Đồng thời phân chia đầu việc để mọi người hỗ trợ, bù đắp những thiếu sót của nhau, giúp đội ngũ cải thiện, giỏi hơn từng ngày. 

5. Truyền cảm hứng cho đội ngũ – kỹ năng lãnh đạo quan trọng

Người lãnh đạo chính là người tạo nên những con người tuyệt vời trong doanh nghiệp. Để làm được điều này, người lãnh đạo luôn cần đồng hành và hỗ trợ cho đội ngũ của mình. Khi họ nản lòng, người lãnh đạo phải vững vàng để kéo họ đứng dậy, vững vàng hơn, mạnh mẽ hơn. Người lãnh đạo sẽ truyền cảm hứng tích cực cho đội ngũ, hướng họ tới mục tiêu của doanh nghiệp. 

Được truyền cảm hứng và cổ vũ, các thành viên trong đội ngũ sẽ tiếp tục truyền cảm hứng và cổ vũ đến các khách hàng, những người sẽ nuôi sống doanh nghiệp. Đây chính là một vòng tròn mà doanh nghiệp cần phải chú ý. 

6. Kỹ năng giao quyền 

Một người lãnh đạo giỏi sẽ không ôm đồm hết công việc vào mình để giải quyết. Họ sẽ sẵn sàng giao quyền xuống cho cấp dưới để mỗi cá nhân đều có thể bộc lộ tài năng của mình. Thậm chí, những điểm yếu của từng cá nhân cũng sẽ được nhìn thấy. Nhưng nhìn thấy ở đây để cải thiện, hoàn thiện bản thân mỗi ngày. 

phân quyền là một kỹ năng lãnh đạo quan trọng
Giao quyền là một trong những việc không thể thiếu trong một tổ chức.

Việc giao quyền ở đây tất nhiên sẽ có chừng mực và luôn có sự báo cáo, theo sát của người lãnh đạo. Vấn đề ở đây chính là sự tin tưởng và sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ, chia sẻ của người lãnh đạo với đội ngũ của mình. 

7. Kỹ năng lập kế hoạch

Đây là một trong những phẩm chất vô cùng quan trọng của người lãnh đạo. Khi có một tầm nhìn chiến lược, lên được những chiến lược, cách thức để đạt mục tiêu thì đội ngũ cần có một bản kế hoạch cụ thể để có thể làm theo từng bước, từng bước. 

Người lãnh đạo sẽ cần có kỹ năng quản lý thời gian tốt và phân công công việc theo năng lực, điểm mạnh, điểm yếu. Và hơn hết, khi có những thay đổi, phát sinh liên quan đến thực hiện kế hoạch thì người lãnh đạo sẽ có những điều chỉnh sao cho nhanh nhạy và hợp lý nhất. 

8. Sự tự tin

Tự tin là điều mà bất kỳ nhà lãnh đạo nào cũng cần có. Sự tự tin không chỉ ở phong thái, cách hành xử mà còn tự tin ở khả năng phán đoán, đánh giá hoặc nhận định một vấn đề. Điều này giúp cho người lãnh đạo đưa ra những quyết định một cách nhanh chóng và dễ đạt được thành công. Thay vì chần chừ, chờ đợi thì họ dám làm và dám chịu trách nhiệm với điều mình làm. 

9. Kỹ năng đào tạo, huấn luyện đội ngũ

Muốn đội nhóm của mình giỏi lên thì người lãnh đạo cần sở hữu được kỹ năng đào tạo và huấn luyện. Việc đào tạo, huấn luyện không chỉ là về lĩnh vực chuyên môn mà đôi khi nó là những thay đổi về mindset hoặc những quy trình, cách thức để xử lý công việc hiệu quả hơn. Bởi trong một nhóm, người lãnh đạo không thể nào hiểu rõ được tất cả chuyên môn của từng vị trí. 

Để phát triển kỹ năng đào tạo, huấn luyện thì người lãnh đạo cần có các chế độ khen thưởng nhân viên, liên tục truyền cảm hứng cũng như có cái nhìn khách quan để đánh giá năng lực nhân viên. 

10. Một trong những kỹ năng lãnh đạo không thể thiếu – Giữ chữ tín 

Phẩm chất này vô cùng cần thiết và quan trọng đối với người lãnh đạo. Giữ chữ tín sẽ giúp cho đội ngũ luôn tin tưởng và sẵn sàng đồng hành trong một thời gian dài. Giữ chữ tín thể hiện ở việc bám sát kế hoạch, bám sát mục tiêu, thực hiện cam kết, lời hứa đã đưa ra. 

Việc giữ chữ tín sẽ giúp cho đội nhóm xây dựng được quan hệ bền chặt, gắn kết, vững mạnh và cùng nhau vượt qua được mọi thử thách, khó khăn. 

Một số cách giúp nâng cao kỹ năng lãnh đạo

1. Thấu hiểu bản thân để phát triển kỹ năng lãnh đạo

Để lãnh đạo đội ngũ, để phát triển đội ngũ thì nhà lãnh đạo cần phải thấu hiểu bản thân mình trước. Cần hiểu được điểm mạnh, điểm yếu của mình để có cách phát huy, cải thiện, tốt hơn mỗi ngày. Người lãnh đạo cần phải làm gương để đội ngũ có thể nhìn theo và học hỏi. 

disc giúp thấu hiểu bản thân và phát triển kỹ năng lãnh đạo
DISC là bài test giúp mỗi người khám phá được chính mình.

Bài test DISC & Motivators là 2 công cụ có thể giúp đọc vị bản thân, thấu hiểu chính mình vô cùng hiệu quả. Đây cũng là 2 bài test được sử dụng rộng rãi tại các doanh nghiệp để những người lãnh đạo có thể hiểu chính mình và đội ngũ. Từ đó cải thiện được kỹ năng lãnh đạo của mình.

2. Biết lắng nghe người khác

Xây dựng được thói quen lắng nghe người khác sẽ giúp người lãnh đạo có cái nhìn tổng quan hơn trong bất kỳ vấn đề nào. Nó giúp chính bản thân người lãnh đạo nhận ra những thiếu sót của bản thân, tạo ra môi trường làm việc nhóm hiệu quả. 

Việc lắng nghe cũng sẽ giúp người đứng đầu có những kết luận, quyết định và kế hoạch, chiến lược tốt nhất. Và theo thời gian, tất cả những kỹ năng của người lãnh đạo sẽ được cải thiện một cách đáng kể. 

3. Nghiên cứu và chọn phong cách lãnh đạo yêu thích

Tìm hiểu về các phong cách lãnh đạo sẽ giúp người đứng đầu có sự điều chỉnh sao cho phù hợp nhất. Một số phong cách lãnh đạo phổ biến hiện nay đó là: phục vụ (servant), lãnh đạo ủy thác (hands off), chuyên quyền (autocratic), dân chủ (democratic), nhìn xa trông rộng (visionary), lãnh đạo giao dịch (transactional), quan liêu (bureaucratic)…

Với mỗi tình huống hoặc dự án khác nhau thì nhà lãnh đạo có thể lựa chọn phong cách lãnh đạo phù hợp. 

4. Không ngừng học hỏi

Thế giới không ngừng thay đổi, đội ngũ được đào tạo giỏi lên từng ngày. Điều này đồng nghĩa với việc người lãnh đạo cũng cần không ngừng học hỏi. Đứng yên đồng nghĩa với việc chính người đứng đầu lại là “nắp chặn” của đội ngũ. 

5. Không quá tập trung vào tiểu tiết khi quản lý

Đây là sai lầm của nhiều người lãnh đạo khi quá tập trung vào những chi tiết nhỏ mà bỏ qua những yếu tố chính làm nên sự thành công của đội nhóm. Việc quá tập trung vào tiểu tiết không chỉ ảnh hưởng tới khả năng lãnh đạo mà còn có thể gây ra một số vấn đề như: 

  • Nhân viên xuống tinh thần
  • Tỷ lệ nghỉ việc tăng cao 
  • Năng suất làm việc của đội nhóm giảm

Thay vì phải tự mình chăm chăm vào những việc nhỏ thì người lãnh đạo cần tự tin trao quyền cho các thành viên trong nhóm. Họ sẽ bắt tay vào việc tìm giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ. Như vậy, người lãnh đạo sẽ có thời gian để hoàn thiện mình và tập trung hơn vào mục tiêu chung của doanh nghiệp. 

Lời kết

Trở thành một nhà lãnh đạo tài năng và mạnh mẽ chưa bao giờ là điều dễ dàng. Nhưng nó hoàn toàn là điều có thể chinh phục được khi bạn có sự quyết tâm, sự rèn luyện. Hãy liên tục học hỏi, cải thiện bản thân, trau dồi kỹ năng lãnh đạo để tạo nền tảng thành công cho doanh nghiệp. 

– ActionCOACH CBD Firm –

2 Responses

Leave a Reply