Đối với các doanh nghiệp gia đình, một trong những mối quan tâm lớn nhất của người chủ doanh nghiệp chính là việc chuyển giao và chuẩn bị chuyển giao cho thế hệ kế nghiệp vì điều này sẽ quyết định đến sự trường tồn và phát triển của doanh nghiệp.

Trước khi chuyển giao doanh nghiệp thành công, người nhận chuyển giao phải vượt qua những thách thức nhất định. Việc xác định được những thách thức có thể phải trải qua sẽ giúp người chuyển giao và người nhận chuyển giao hình dung trước được con đường phía trước để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo quá trình chuyển giao được diễn ra tốt đẹp, đúng nghĩa kế thừa thay vì thừa kế.

chuyển giao doanh nghiệp gia đình

Tùy thuộc đặc thù của từng doanh nghiệp và gia đình, với tâm thế là người nhận chuyển giao doanh nghiệp từ gia đình, thế hệ kế thừa sẽ gặp một số thách thức:

Thách thức từ các nhân sự lâu năm trong doanh nghiệp gia đình

Là những nhân sự lâu năm, họ được xem như “công thần” của doanh nghiệp khi đồng hành cùng chủ doanh nghiệp trong những năm tháng “đầu đời” của doanh nghiệp, tuy nhiên theo thời gian, tư duy và tốc độ của những nhân sự lâu năm và người nhận chuyển giao chưa đồng nhất. 

Niềm tin vào bản thân và niềm tin từ nhân viên

Một trong những trở ngại lớn đối với người nhận chuyển giao là trở ngại về niềm tin vào chính mình: thiếu niềm tin vào bản thân có thể vận hành được doanh nghiệp, không tin tưởng bản thân có thể áp dụng được những kiến thức, kinh nghiệm đã tích lũy vào việc vận hành doanh nghiệp. Bên cạnh đó, họ còn gặp trở ngại khi nhân viên không tin tưởng vào người nhận chuyển giao do khác biệt về kinh nghiệm và kiến thức bởi thế hệ nhận chuyển giao đa số được đào tạo từ nước ngoài.

Không thực sự đam mê với lĩnh vực kinh doanh của gia đình, chưa tìm được đam mê

Đây có lẽ là trở ngại không nhỏ vì nếu thiếu đam mê thì người nhận chuyển giao khó có thể phát huy tối đa năng lực của bản thân để đưa doanh nghiệp phát triển, trường tồn. 

chuyển giao doanh nghiệp gia đình
Người nhận chuyển giao không có đam mê kinh doanh sẽ rất khó tiếp nhận Doanh nghiệp gia đình

Thiếu người đồng hành trong quá trình nhận chuyển giao và điều hành doanh nghiệp gia đình

Đối với người đang nhận chuyển giao thì người đồng hành với họ chỉ có thể là gia đình, nhưng những kỳ vọng, trọng trách lớn đặt trên vai khiến họ khó có thể chia sẻ thẳng thắn với gia đình, họ không muốn bị nói không đủ năng lực đảm nhiệm hoặc bị chê trách khi làm sai. Ngoài ra, sau khi chuyển giao doanh nghiệp, người chuyển giao có thể đến tuổi nghỉ hưu, thời gian dành cho việc điều đồng hành có giới hạn, người nhận chuyển giao lúc này cảm thấy lạc lõng, chênh vênh vì không biết trao đổi, chia sẻ cùng ai. 

Khác biệt về thị trường, kinh nghiệm

Thông thường, trở ngại này chỉ xuất hiện với nhóm nhận chuyển giao là những du học sinh, họ được tiếp cận và làm việc tại các quốc gia phát triển, họ có những trải nghiệm tuyệt vời, đem tham vọng sẽ thay đổi doanh nghiệp của gia đình có thể phát triển như những doanh nghiệp họ từng biết đến nhưng thị trường Việt Nam có một giới hạn nhất định, không bắt nhịp ngay được với những kiến thức, trải nghiệm của họ. Với những du học sinh họ có trải nghiệm làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia nhưng lại thiếu trải nghiệm làm việc tại Việt Nam.

Có thể thấy rằng, khi mới bước chân vào bất kỳ lĩnh vực nào cũng đều có những trở ngại nhất định, tuy nhiên, chỉ cần vượt qua các thách thức đó sẽ giúp chúng ta trưởng thành hơn và làm chủ được mọi tình huống. Với thế hệ kế thừa, những thách thức nêu trên chỉ như những bước đệm để giúp họ từng bước từng bước tiếp nhận doanh nghiệp từ gia đình. Khi có được nền tảng vững chắc sẽ giúp thế hệ kế thừa có thêm tự tin, kinh nghiệm để sẵn sàng điều hành doanh nghiệp lên tầm cao mới.

COACH Selena – Bùi Thị Linh Vi