SWOT là một ma trận không quá xa lạ đối với những người làm kinh doanh. Chúng thường được dùng để phân tích các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của doanh nghiệp, tổ chức hay dự án đang mắc phải. Trên thực tế, SWOT không chỉ dùng để đánh giá hoạt động doanh nghiệp mà còn được áp dụng cho cá nhân. Vậy SWOT bản thân là gì và cách xây dựng SWOT bản thân như thế nào?
SWOT là gì?
SWOT là một mô hình được phân tích dựa trên bốn yếu tố chính:
- Strength (điểm mạnh)
- Weakness (điểm yếu)
- Opportunity (cơ hội)
- Threat (thách thức)
Trong đó, điểm mạnh và điểm yếu sẽ là hai yếu tố nội bộ bên trong doanh nghiệp và chúng có khả năng thay đổi như: đặc điểm, vị trí, quản trị thương hiệu. Đối với cơ hội và thách thức thì chúng là hai yếu tố tác động từ bên ngoài và không bị ảnh hưởng, chi phối từ phía doanh nghiệp (chẳng hạn như chính phủ, đối thủ cạnh tranh, biến động kinh tế,…).
Hiện nay, các bản báo cáo phân tích về tình hình doanh nghiệp, phân tích mô hình SWOT là một phần không thể thiếu trong quá trình phân tích tình hình doanh nghiệp, đưa ra chiến lược marketing, bán hàng, giới thiệu sản phẩm,… Qua đó, các nhà quản trị sẽ nhìn nhận một cách khách quan và chính xác tình hình thực tại của doanh nghiệp và nền kinh tế chung để có thể dễ dàng đưa ra được những quyết định đúng đắn và hiệu quả để đạt được mục tiêu trong tương lai.
SWOT bản thân là gì?
Không chỉ được ứng dụng trong các doanh nghiệp mà mô hình SWOT hiện nay cũng được khá nhiều cá nhân áp dụng để hiểu rõ hơn về bản thân mình. SWOT bản thân được xem là một phương pháp dùng để đánh giá, nhìn nhận bản thân mình. Nó có thể được sử dụng ở bất kỳ giai đoạn nào trong cuộc đời để hiểu rõ hơn về bản thân hay định hướng con đường sự nghiệp, cơ hội phát triển sự nghiệp trong tương lai. Hoặc mô hình SWOT bản thân cũng được dùng để tự đánh giá và so sánh với xã hội.
Tầm quan trọng của việc phân tích SWOT bản thân
Đánh dấu các giai đoạn, cột mốc quan trọng trên con đường phát triển bản thân và phân tích SWOT đã trở thành một phương pháp thiết yếu với nhiều người. Sở dĩ việc phân tích SWOT về bản thân trở nên quan trọng là bởi:
- Giúp bạn tìm ra những ưu thế của bản thân so với đối thủ và đồng nghiệp bằng việc phân tích các điểm mạnh. Từ đó, bạn sẽ định vị được mình để vạch ra kế hoạch trong tương lai một cách hợp lý nhất.
- Nhận thấy những điểm hạn chế của mình. Có thể với nhiều người, điều này sẽ khó chấp nhận tuy nhiên chỉ khi thừa nhận khuyết điểm của bản thân thì bạn mới có thể tìm thấy giải pháp để khắc phục điểm yếu và đạt đến thành công sớm hơn.
- Khám phá ra được những cơ hội mới hướng đến mục tiêu của mình.
- Nhìn nhận ra được các mối đe dọa trên con đường cá nhân hay sự nghiệp của mình. Dựa vào đó, bạn sẽ xây dựng được cho mình một kế hoạch phòng thủ tốt đối với những trở ngại phía trước trên con đường phát triển bản thân của mình.
Tóm lại, chỉ cần nhìn lắng đọng lại một chút, nhìn nhận lại bản thân sẽ giúp bạn khám phá ra nhiều điều mà bản thân bạn đã bỏ lỡ bấy lâu nay. Khi hiểu rõ được bản thân, bạn mới có thể đưa ra được cho mình những quyết định đúng đắn nhất.
Những ai nên dùng bản phân tích SWOT bản thân?
Phân tích SWOT bản thân phù hợp với tất cả mọi người, đặc biệt là:
- Chủ doanh nghiệp, doanh nhân
- Nhà quản lý, Leader
- Sinh viên
- Nhà chuyên môn, chuyên viên cấp cao
- Kỹ sư, giáo sư, bác sĩ
Việc phân tích SWOT sẽ giúp các cá nhân phát triển bản thân hiệu quả. Từ đó không chỉ cải thiện năng suất công việc mà còn giúp mỗi người hoàn thành được những mục tiêu đặt ra.
Cách xây dựng mô hình SWOT bản thân
Trước khi tiến hành quá trình phân tích SWOT bản thân, bạn cần phải xác định rõ ràng mục tiêu hoặc thành quả mà mình muốn đạt được. Tiếp theo, hãy đưa ra các dữ liệu quan trọng để có thể thấu hiểu bản thân mình cũng như việc bạn sẽ bị ảnh hưởng như thế nào bởi tác động của các yếu tố bên ngoài.
Ở đây, điểm mấu chốt chính là việc bạn phải coi bản thân mình như một doanh nghiệp và đặt mục tiêu muốn đạt được giống như một chiến lược kinh doanh. Sau đó, hãy áp dụng mô hình SWOT bản thân bằng cách trả lời một vài câu hỏi sau:
Strength – Điểm mạnh
Điểm mạnh là những đặc điểm mà bạn tự tin rằng mình nổi trội hơn so với người khác. Đôi khi, điều đó sẽ được thể hiện rõ ràng nhưng đôi lúc bạn sẽ không nhìn ra được. Chính vì vậy, một vài câu hỏi sau sẽ giúp bạn khám phá ra điểm mạnh của bản thân:
- Bạn có ưu điểm gì mà chỉ bản thân mới có? Những thứ đó có thể là bằng cấp, mối quan hệ, kỹ năng mềm,…
- Bạn làm việc gì tốt hơn so với người khác?
- Bạn có được những mối quan hệ cá nhân nào?
- Bạn có mối quan hệ nào mà khiến người khác phải ghen tị hay không? Nếu có thì mức độ thân thiết như thế nào và nguyên nhân ở đâu khiến mối quan hệ đó gắn kết?
- Bạn được người khác công nhận những điểm mạnh nào?
- Bạn cảm thấy tự hào với sự thành công nào nhất?
- Có những giá trị nào mà người không nhận ra ngoại trừ bạn?
Những câu hỏi trên cho thấy điểm mạnh nên được cân nhắc dựa trên cả cá nhân và những người xung quanh mình. Hãy nhớ, bạn không nên quá khiêm tốn, rụt rè, cũng đừng quá tự cao, phóng đại các điểm mạnh mà hãy nhìn nhận chúng một cách khách quan nhất.
Một cách khác giúp bạn nhìn nhận ra điểm mạnh của mình chính là đưa ra sự phân tích từ bên trong những mối quan hệ với người xung quanh. Chẳng hạn như bạn giỏi về ca hát nhưng môi trường xung quanh bạn toàn những người hát hay thì đó không hẳn là một điểm mạnh của bạn.
Weakness – Điểm yếu
Điểm yếu là thứ khó để bản thân có thể nhìn nhận ra, bởi vì sâu bên trong nhiều người vẫn chưa muốn nhìn nhận sự việc này. Tuy nhiên, muốn hiểu về bản thân thì đòi hỏi bạn cần phải sẵn sàng đối mặt với thực tại. Dưới đây sẽ là một vài câu hỏi giúp bạn nhìn nhận ra đâu là điểm yếu của mình:
- Bạn thường trốn tránh, không muốn làm hay không tự tin làm việc nào nhất?
- Mọi người nhìn nhận các điểm yếu của bạn như thế nào?
- Bạn có thật sự tự tin với kiến thức, trình độ và kỹ năng hiện tại của mình hay không?
- Bạn có những thói quen xấu nào?
- Bạn thường bị ảnh hưởng không tốt bởi những tính cách nào trong công việc?
Để có thể cho ra được góc nhìn khách quan nhất về những điểm yếu của bản thân thì bạn có thể hỏi những người ngoài cuộc vì họ sẽ là người nhìn rõ ra được những thứ mà bạn không thể nhìn thấy được. Tuy nhiên, hãy sẵn sàng chấp nhận những lời nhận xét này.
Opportunity – Cơ hội
Cơ hội luôn xuất hiện trong cuộc sống của mỗi người, quan trọng là chúng ta có thể nhìn nhận ra và nắm bắt lấy chúng hay không? Để nhận ra cơ hội, bạn có thể trả lời một vài câu hỏi như sau:
- Công nghệ mới hiện nay có giúp ích gì cho bạn không?
- Lĩnh vực mà bạn đang theo đuổi có đang tăng trưởng hay không?
- Bạn tận dụng được gì từ thị trường hiện tại hay không?
- Bạn có mối quan hệ nào có thể giúp đỡ bạn khi cần thiết hay không?
- Xu hướng ngày nay của doanh nghiệp là gì? Và làm cách nào để bạn có thể tận dụng được xu hướng đó?
- Những điều gì mà công ty, thị trường đang cần?
Cơ hội sẽ không tự nhiên đến, chính vì vậy, bạn hãy tự tạo ra kỳ tích này cho mình. Bạn có thể tìm kiếm cơ hội bằng cách tham gia những khóa học, hội thảo,… Bên cạnh đó, bạn hãy không ngừng trau dồi thêm cho mình những kỹ năng mới mà mình còn yếu kém và tận dụng những kỹ năng cứng, kỹ năng mềm đặc biệt của mình để có thể tỏa sáng. Quan trọng hơn hết, bạn cần phải nhìn nhận đúng những điểm mạnh, điểm yếu của mình để không thể bỏ lỡ mất cơ hội.
Threat – Thách thức
Trên con đường phát triển bản thân và sự nghiệp, chắc chắn sẽ có những trở ngại, thách thức cản trở chúng ta. Tuy nhiên, để có thể vượt qua được những khó khăn này bạn phải thật vững lòng và cố gắng tìm cách khắc phục để bản thân được rèn luyện tốt hơn. Nhưng trước hết, hãy nhìn nhận những thách thức đang mắc phải thông qua những câu hỏi sau:
- Bạn có đang gặp phải những khó khăn gì trong công việc hay không?
- Trong tương lai, công việc của bạn có sự biến động hay không?
- Sự phát triển công nghệ có trở thành mối đe dọa đến công việc của bạn hay không?
- Những nguy cơ gì sẽ xảy đến với những điểm yếu của bạn?
Bằng việc phân tích các yếu tố trên bạn sẽ biết được mình cần phải làm gì để có thể vượt qua được những thách thức và hạn chế tối đa được những rủi ro có thể mắc phải.
5 bước phân tích mô hình SWOT bản thân hiệu quả
Chắc hẳn tới đây bạn đọc đã hình dung được muốn phân tích SWOT bản thân thì chúng ta cần tập trung vào yếu tố nào cũng như những câu hỏi để tìm ra được những yếu tố đó. Ở phần này, chúng tôi sẽ chia sẻ cụ thể về các bước để bạn có thể phân tích mô hình SWOT cho bản thân hiệu quả nhất.
Bước 1: Lập ma trận SWOT
Hiểu đơn giản lập ma trận SWOT chính là việc bạn phân tích các yếu tố S-W-O-T dưới mô hình dạng bảng. Bằng cách này, bạn có thể có cái nhìn tổng quan và dễ dàng kết hợp các yếu tố với nhau để có những bước đi thích hợp.
Bước 2: Phát triển điểm mạnh
Để phát huy được điểm mạnh, bạn hãy kết hợp phần Strength với thành phần trong Opportunities. Khi điểm mạnh kết hợp với cơ hội thì sẽ có thể tạo nên cách thức phát triển cũng như cải thiện bản thân một cách hữu hiệu nhất.
Bước 3: Chuyển hóa rủi ro
Một trong những bước quan trọng khi phân tích SWOT bản thân đó chính là chuyển hóa được những rủi ro, biến chúng thành cơ hội để cải tiến điểm mạnh của bản thân. Tuy nhiên, không phải rủi ro nào cũng có thể chuyển hóa. Vì thế, đôi lúc bạn cũng cần biết nhìn nhận rõ vấn đề, không nên cố quá. Việc tránh được những tổn thất lớn do nhìn trước được rủi ro cũng đã là hiệu quả rồi.
Bước 4: Tận dụng cơ hội
Tận dụng cơ hội là việc bạn nhận biết điểm mạnh, điểm yếu của bản thân để từ đó phát huy điểm mạnh, cải thiện điểm yếu. Lưu ý hãy cân nhắc kỹ việc cải thiện điểm yếu. Hãy đánh giá xem nếu bạn cải thiện được điểm yếu này có giúp bạn nắm bắt được cơ hội hiệu quả hơn, nhanh chóng hơn hay không. Bởi thông thường việc cải thiện điểm yếu sẽ tốn nhiều thời gian, công sức và tiền bạc.
Một số câu hỏi thường gặp về mô hình SWOT bản thân
Việc tiến hành nghiên cứu mô hình SWOT bản thân đối với những người mới bắt đầu đôi khi sẽ có chút khó khăn. Vì vậy, CBD đã tổng hợp một vài câu hỏi thường gặp về mô hình nghiên cứu này.
Khi nào thì nên tiến hành phân tích SWOT bản thân?
Mô hình SWOT sẽ phát huy tác dụng khi được sử dụng đúng trường hợp. Vậy đâu là lúc thích hợp để có thể tiến hành phân tích SWOT bản thân? Đó chính là khi bạn cần đưa ra một quyết định quan trọng nào đó và chúng có ảnh hưởng đến tương lai sau này. Hoặc đôi khi, đơn giản chỉ là bạn muốn hiểu rõ hơn về bản thân mình và phát triển hơn trong tương lai.
Làm cách nào để có thể tận dụng kết quả phân tích SWOT bản thân?
Sau khi đã phân tích SWOT về bản thân và có những hành động cụ thể theo từng phần việc bạn cần làm. Tất nhiên, đối với các thế mạnh và cơ hội thì bạn nên tận dụng nhằm đem lại hiệu quả cho sự phát triển của mình. Nhưng với các điểm hạn chế và khó khăn bạn hãy chọn cách giảm thiểu nhất có thể. Cụ thể, dựa trên bảng SWOT, bạn có thể:
- Xác định những việc cần phải làm ngay hôm nay? Điều đó có cần phải lên kế hoạch hay không?
- Cần chắc chắn rằng từng mục hành động là rõ ràng và có thể đo lường được. Ví dụ nếu bạn kém ở kỹ năng tiếng Anh thì cần thực hiện một số bài kiểm tra sau một khoảng thời gian nhất định mới thấy rõ những cải thiện của bản thân.
- Đưa ra khung thời gian phù hợp với từng công việc giúp quản lý tốt hơn.
Lời kết
Thông qua bài viết này chúng ta có thể thấy được rằng bản chất của con người thường khó khăn trong việc nhìn nhận những điểm yếu của mình và đôi lúc cũng chẳng thể nhìn ra được những điểm mạnh tìm ẩn trong chúng ta. Nhờ vào việc phân tích SWOT bản thân sẽ phần nào giúp mỗi cá nhân có thể hiểu rõ hơn về chính mình cũng như tìm ra được cho mình hướng đi tốt nhất trong tương lai. Hy vọng bài viết đã mang đến những thông tin bổ ích. Cảm ơn bạn đã chọn đọc, hẹn gặp lại ở các bài viết tiếp theo.