Lợi nhuận là vấn đề luôn được quan tâm đặc biệt trong một Doanh nghiệp. Tuy nhiên, để đánh giá chính xác tình hình của một Doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả không thì chúng ta cần xét qua nhiều chỉ số tài chính khác nhau. Trong đó, tỷ suất lợi nhuận được xem như một trong những thước đo quan trọng nhất đối với việc đánh giá và ra quyết định của Chủ doanh nghiệp.

1. Tỷ suất lợi nhuận là gì?

Tỷ suất lợi nhuận là thước đo dùng để đánh giá hiệu quả hoạt động của Doanh nghiệp. Trước tiên, chúng ta tìm hiểu về Lợi nhuận như thế nào.

tỷ suất lợi nhuận

1.1. Lợi nhuận là gì?

Lợi nhuận là khoản chênh lệch giữa tổng doanh thu bán sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trừ đi giá thành toàn bộ sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đã tiêu thụ và thuế theo quy định của Pháp luật (trừ thuế lợi tức).

Lợi nhuận được xác định bằng công thức sau:

Lợi nhuận = Doanh thu – Chi phí

Chúng ta cũng có thể hiểu Lợi nhuận theo một định nghĩa khác: Lợi nhuận là kết quả tài chính cuối cùng của các hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoạt động tài chính, hoạt động khác đưa lại, là chỉ tiêu chất lượng để đánh giá hiệu quả kinh tế các hoạt động của doanh nghiệp.

1.2. Tỷ suất lợi nhuận là gì?

Tỷ suất Lợi nhuận là tỷ số tài chính được sử dụng để theo dõi tình hình sinh lợi của một doanh nghiệp hay công ty, nhìn chung là tổ chức kinh tế hoạt động vì lợi nhuận, đặc biệt là các công ty cổ phần. Nó thể hiện mối quan hệ chặt chẽ giữa lợi nhuận ròng dành cho các cổ đông và doanh thu của công ty đó.

Có nhiều cách xác định tỷ suất lợi nhuận và mỗi cách lại có những nội dung kinh tế khác nhau. Thông thường, chúng ta hay gặp những tỷ số sau: Tỷ suất lợi nhuận của vốn kinh doanh, Tỷ suất lợi nhuận giá thành, Tỷ suất lợi nhuận doanh thu bán hàng (Tỷ suất lợi nhuận thường được tính dựa trên doanh thu và chúng ta có thể gọi với những tên khác như Tỷ suất sinh lời trên Doanh thu, suất sinh lời của Doanh thu, Hệ số lãi ròng,…)

2. Ý nghĩa của Tỷ suất lợi nhuận

Tỷ suất lợi nhuận là công cụ để Doanh nghiệp đo lường mức độ sinh lời của Công ty để điều chỉnh chiến lược kinh doanh sao cho hợp lý hơn. Tỷ số này có thể cho biết lợi nhuận chiếm bao nhiêu phần trăm trong Tổng doanh thu.

Nếu giá trị tỷ suất lợi nhuận dương: điều này có nghĩa là Doanh nghiệp đang có lãi.

Nếu giá trị tỷ suất lợi nhuận âm: điều này có nghĩa là Doanh nghiệp đang kinh doanh bị lỗ và cần điều chỉnh chiến lược kinh doanh.

Tuy nhiên, việc xét tỷ suất lợi nhuận còn phụ thuộc rất nhiều vào đặc điểm kinh doanh của từng ngành cụ thể trên thị trường. Các Chủ doanh nghiệp cần theo dõi tình hình kinh doanh của Doanh nghiệp, kết hợp với các bảng số liệu hoặc kết hợp thêm các chỉ số khác khi cần so sánh tỷ suất lợi nhuận với tỷ số bình quân của ngành theo đúng ngành nghề mà bạn đang kinh doanh. Từ đó, Chủ doanh nghiệp mới có cái nhìn khách quan để đưa ra các nhận định và triển khai các chiến lược kinh doanh phù hợp.

3. Tầm quan trọng của Tỷ suất lợi nhuận

3.1. Đánh giá mức độ sinh lời của tổ chức kinh tế hay cá nhân

Tỷ suất lợi nhuận dùng để đánh giá mức độ sinh lời của các tổ chức kinh tế hay cá nhân hiện đang hoạt động kinh doanh ở nhiều lĩnh vực ngành nghề. Chủ yếu tỷ suất lợi nhuận sẽ được đo lường và đánh giá trên tổng doanh thu của doanh nghiệp để xem xét lợi nhuận chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng doanh thu, từ đó đánh giá được mức độ sinh lời và hiệu quả kinh doanh của toàn bộ Doanh nghiệp.

Đây được xem như công cụ giúp cho Chủ doanh nghiệp xác định được hoạt động của doanh nghiệp sinh lãi hay đang “rơi lỗ”, từ đó có thể đưa ra các chiến lược hành động cụ thể.

3.2. Là cơ sở đưa ra các chiến lược và phương án kinh doanh hiệu quả

Tỷ suất lợi nhuận là cơ sở đưa ra các chiến lược và phương án kinh doanh hiệu quả cho Doanh nghiệp. Bạn có thể dựa vào công cụ này để biết được Doanh nghiệp đang lời lỗ ra sao, tìm ra các nguyên nhân. Từ đó, Chủ doanh nghiệp có thể đưa ra các giải pháp ngắn hạn và dài hạn phù hợp với đặc điểm của doanh nghiệp đó theo từng giai đoạn cụ thể (có thể là Quý hoặc Năm). 

Trên cơ sở đó, Chủ doanh nghiệp có thể vạch ra các chiến lược và phương án kinh doanh phù hợp, đem lại hiệu quả để giúp Doanh nghiệp phát triển hơn. Vì vậy, tỷ suất lợi nhuận cần được kiểm tra và đo lường thường xuyên để Chủ doanh nghiệp có những phương án đáp ứng kịp thời với tình hình hiện tại của Doanh nghiệp.

3.3. Khẳng định vị thế của doanh nghiệp trong ngành

Các doanh nghiệp khi tính tỷ suất lợi nhuận cần bám sát vào đặc điểm lĩnh vực, ngành hàng mà mình đang kinh doanh. Trên cơ sở đó, tỷ suất lợi nhuận mới phản ánh được những yếu tố khách quan tác động tới một cách ngẫu nhiên hoặc không thể kiểm soát đến Doanh nghiệp.

Tỷ suất lợi nhuận đánh giá lợi nhuận một doanh nghiệp trên mức bình quân lợi nhuận của cả một ngành đó có thể ngầm khẳng định được vị thế của Doanh nghiệp trên thị trường ở cùng một lĩnh vực kinh doanh. Nếu tỷ suất lợi nhuận càng cao, càng chiếm nhiều trong miếng bánh thị phần thì chứng tỏ rằng bạn đang có thế lực và rất mạnh trên thị trường kinh doanh hiện nay. Đây là điều mà tất cả các doanh nghiệp đều đặt mục tiêu hướng tới.

COACH Rita Tô Quý Ngọc Châu