Có một doanh nhân từng nói về việc xây dựng đội nhóm (teamwork): “Nếu anh có thể làm cho mọi người trong công ty đồng lòng hướng đến một mục tiêu chung thì anh có thể thống lĩnh bất kỳ lĩnh vực nào, trong bất kỳ thị trường nào, với bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào và tại bất kỳ thời điểm nào”.

Mỗi khi tôi chia sẻ câu nói này với các chủ doanh nghiệp mà tôi làm việc, họ đều lập tức gật đầu tán thành, nhưng với vẻ tuyệt vọng. Họ hiểu được chân lý này nhưng đồng thời cũng “bó tay” với việc thực thi nó. 

Xây dựng đội nhóm đoàn kết và hiệu quả là một việc khó khăn, nhưng không phải là việc phức tạp. Trên thực tế, xây dựng đội ngũ làm việc hiệu quả là một việc vừa khả thi vừa dễ dàng đến bất ngờ. Và tất nhiên đó cũng là một quá trình gian nan. 

điểm chết trong teamwork

Tuy nhiên, bạn không nên quá lo lắng, với mô hình NĂM ĐIỂM CHẾT của Patrick Lencioni bên dưới sẽ giúp chúng ta nhìn nhận lại thực trạng và cải thiện đội nhóm của mình một cách hiệu quả.

Thiếu sự tin tưởng giữa các thành viên trong teamwork

Điểm chết này xuất phát từ việc các thành viên trong nhóm không muốn bị công kích. Họ không thật sự thoải mái chia sẻ với nhau về những sai phạm hay điểm yếu của mình, điều này khiến họ không thể xây dựng nền tảng để tin tưởng lẫn nhau. Những đội nhóm thiếu sự tin tưởng lẫn nhau thường mất nhiều thời gian và năng lượng cho việc kiểm soát các hành vi và mối quan hệ trong nhóm. Họ thường lo sợ các cuộc họp nhóm và ngại yêu cầu được giúp đỡ hay đề nghị giúp đỡ người khác. Chính vì thế, tinh thần làm việc trong đội nhóm có sự thiếu tin tưởng lẫn nhau thường rất yếu và tỷ lệ nghỉ việc không mong muốn cao.

Sợ xung đột

Khi không xây dựng được sự tin cậy sẽ dẫn đến điểm chết thứ 2, đó là sợ xung đột. Khi không tin tưởng nhau thì các thành viên không thể tranh luận cởi mở và nhiệt tình. Điều này tạo ra những cuộc thảo luận giả tạo và dè dặt trong việc bày tỏ ý kiến của mình. Trớ trêu thay, những đội nhóm cố né tránh tranh luận để không làm tổn thương những thành viên khác cuối cùng lại rơi vào tình trạng căng thẳng nguy hiểm. Trên thực tế, khi các thành viên không thoải mái tranh luận và không đồng ý về những luận điểm quan trọng, họ có khuynh hướng đàm tiếu sau lưng. Điều này còn tệ hại hơn rất nhiều so với việc tranh cãi nảy lửa để giải quyết vấn đề.

Teamwork thiếu cam kết

Thiếu xung đột lành mạnh sẽ dẫn đến điểm chết thứ 3 của đội nhóm: thiếu cam kết. Vì chỉ tỏ ra đồng ý giả tạo trong các cuộc họp nên các thành viên sẽ hiếm khi hoặc không bao giờ cảm thấy gắn bó & tận tâm thực hiện các quyết định đã thống nhất. Hơn bất kỳ điểm chết nào khác, điểm chết thứ ba này tạo ra những làn sóng ngầm rất nguy hiểm cho đội ngũ nhân viên cấp dưới nếu như đội ngũ cấp cao thiếu sự cam kết. Vì khi ban điều hành không có được sự đồng tình của tất cả thành viên, ngay cả khi đó chỉ là những bất đồng trong vấn đề nhỏ thì những nhân viên trực thuộc ban điều hành này sẽ gặp phải sự xung đột khi thực thi các kế hoạch không phù hợp với những gì phòng ban khác đang làm. Như một cơn lốc xoáy, những sai lệch nhỏ giữa các nhà điều hành cấp cao trong một tổ chức có thể trở thành sự khác biệt lớn với đội ngũ nhân viên bên dưới.

Né tránh trách nhiệm

Do thiếu cam kết thực sự, các thành viên có khuynh hướng né tránh trách nhiệm – đây cũng là điểm chết thứ 4 của teamwork. Điểm chết này thể hiện ở việc các thành viên rất dè dặt nếu phải nhắc nhở các đồng đội của mình khi họ có những hành động và cử chỉ có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích chung của nhóm. Mặc dù nghe có vẻ không hợp lý về mặt quan hệ nội bộ nhưng phương pháp hiệu quả và tốt nhất trong việc duy trì chuẩn mực cao trong công việc của nhóm chính là áp lực từ đồng đội. Một trong những lợi ích mà điều này mang lại là làm giảm sự quan liêu trong việc quản lý hiệu quả công việc và hành động cải thiện. Nỗi sợ đối với việc khiến đồng nghiệp của mình thất vọng chính là động lực cho mọi người cố gắng cải thiện kết quả công việc của họ.

Không quan tâm đến kết quả chung

Khi không thể ràng buộc lẫn nhau về trách nhiệm, điểm chết thứ 5 sẽ xuất hiện, đó là không quan tâm đến kết quả chung. Điểm chết này xảy ra khi các thành viên trong nhóm đặt nhu cầu cá nhân (cái tôi hoặc sự phát triển sự nghiệp hay sự công nhận cho bản thân) hoặc thậm chí là nhu cầu của phòng ban mình lên trên mục tiêu chung của tập thể. Mới nhìn thì điểm chết này có vẻ rõ ràng, ai cũng biết và cần phải tránh, nhưng thật sự thì nhiều đội nhóm chỉ đơn giản là không chuyên tâm vào kết quả. Họ không dồn sức để đạt những mục tiêu có ý nghĩa, mà chỉ thuần túy là hoạt động để tồn tại và sống sót. Không may cho những đội nhóm này, không có niềm tin, xung đột, cam kết hay tinh thần trách nhiệm nào có thể bù đắp cho sự thiếu khao khát chiến thắng.

Cần lưu ý rằng, những điểm chết nói trên rất dễ bị hiểu lầm rằng đó là 5 vấn đề có thể được giải quyết riêng biệt. Nhưng thực tế, 5 điểm chết này tạo thành một mô hình gắn kết với nhau, khiến cho ngay cả một điểm chết còn tồn tại thì cũng có thể ảnh hưởng đến sự thành công của cả đội nhóm.

Vì vậy, giống như một chuỗi mắt xích mà trong đó có một mắt xích không hoạt động, quá trình làm việc nhóm sẽ xấu đi nếu ta để dù chỉ một điểm chết xuất hiện.

Trong quá trình huấn luyện của mình, chúng tôi nhận thấy với đa số các doanh nghiệp, tinh thần làm việc tập thể vẫn còn khá mơ hồ. Các đội nhóm trong doanh nghiệp không có tinh thần đồng đội bởi vì họ đã vô tình vấp phải 5 lỗi thường gặp nhưng nguy hiểm, chính là 5 điểm chết ở trên đây. Để khắc phục được 5 điểm chết này, chúng tôi có một mô hình huấn luyện thành công cho các doanh nghiệp trên khắp thế giới, mô hình 6 chìa khóa sẽ giúp bẻ gãy được 5 điểm chết này. Chúng tôi sẽ tiếp tục chia sẻ ở những bài viết tiếp theo.

                           (Bài viết có tham khảo từ cuốn sách The Five Dysfunctions of A Team – Patrick Lencioni)

COACH Kaka Lê Ngọc Đăng