ĐỪNG ĐỔ LỖI CHO THỜI GIAN!

Đã bao nhiêu lần bạn nghe mọi người nói “Tôi không đủ thời gian để làm …” hoặc “Nếu tôi có đủ thời gian thì tôi sẽ làm …” . Đôi khi họ than vãn rằng “Tôi quá bận rộn để làm …” Phải chăng, người luôn lắng nghe bạn than phiền cũng là người bạn nhìn thấy trong tấm gương ở phòng tắm mỗi sáng? Vâng, tôi đích thị là kẻ hay đỗ lỗi cho thời gian và tôi nghĩ đã đến lúc tôi phải dừng thói quen xấu này thôi!

Suy cho cùng, thời gian là con số tuyệt đối, mỗi ngày chỉ có 24 giờ và điều đó không bao giờ thay đổi. Chúng ta không thể “quản lý” thời gian. Những gì chúng ta có thể quản lý là kế hoạch chúng ta sẽ làm để sử dụng thời gian hiệu quả.

Một trong những yếu tố quyết định mức độ thành công của chủ doanh nghiệp là cách chúng ta sử dụng thời gian. Tất cả mọi người từ Bill Gates đến chủ doanh nghiệp nhỏ đều có 24 giờ mỗi ngày. Hãy liên tưởng đến các cuộc đua xe tự động, nơi các tài xế lái những chiếc xe được lập trình giống hệt nhau. Người chiến thắng cuộc đua được xác định không phải người lái xe nhanh nhất nhưng là người làm chủ được chiếc xe tốt nhất. Tương tự như vậy trong cuộc sống, “người chiến thắng” là những người biết làm chủ và sử dụng thời gian hiệu quả.

Vậy, làm thế nào để bạn kiểm soát thời gian?

  1. Hiểu rằng không có khái niệm quá nhiều hoặc quá ít thời gian. Có đủ thời gian để bạn thành công – những người khác đã thành công và họ không có nhiều thời gian hơn bạn. Hãy kiểm soát thời gian, chịu trách nhiệm về kết quả và hành động của bạn.
  2. Quyết định những gì bạn muốn thực hiện. Bạn muốn “thành công” ở đâu? Đối với một số người, điều đó có nghĩa là kiếm được một triệu đô la. Số khác, họ muốn sức khỏe. Phần khác lại cho rằng, thành công là mối quan hệ với gia đình và bạn bè trở nên tốt hơn. Bạn phải xác định đâu là mục tiêu của bạn. Bạn cũng mường tượng cảm giác của bạn khi đạt được mục tiêu – nó sẽ khiến bạn cảm thấy thế nào? Cả mục tiêu và “lý do tại sao” của bạn phải được viết ra với một khung thời gian hành động.
  3. Một khi bạn đã quyết định mục tiêu và “lý do” của bạn, bây giờ bạn phải xác định các hoạt động cần thiết để bạn đạt được mục tiêu đó. Tôi phải làm gì đây? Tôi sẽ làm gì? Tôi sẽ cần điều chỉnh / hy sinh / giảm / ủy nhiệm những gì để có thời gian để thực hiện mục tiêu? Hãy nhớ các hành động chi tiết này phải dễ hiểu với những người cùng bạn đi đến mục tiêu. Sự khác nhau của người thành công và không thành công là tính kỷ luật và sự quyết tâm. Nên nhớ, người chiến thắng không bao giờ bỏ cuộc.
  4. Bạn nên hiểu rằng cuộc sống và kinh doanh là sự lựa chọn. Bạn chọn cách bạn sẽ dành thời gian vào những hoạt động nào và bao nhiêu cho mỗi hoạt động. Đừng quên, đây là một cuộc chạy marathon, không phải chạy nước rút. Thành công ở nhiều lĩnh vực khác nhau cần nhiều thời gian và công sức. Thành công xuất phát từ sự tập trung vào một hoặc hai mục tiêu. Khi mỗi mục tiêu được hoàn thành, bạn mới chuyển sang tập trung cho mục tiêu tiếp theo.
  5. Ghi lên lịch làm việc của bạn mỗi tuần. Đâu là những công việc bạn phải làm để đạt được mục tiêu? Đối với mỗi công việc phải làm, hãy coi nó là rất quan trọng như thể bạn có hẹn với khách hàng VIP, bạn không thể hủy hẹn. Bạn có hủy cuộc họp với nhân viên vào lúc 2h chiều khi ai đó chen ngang và muốn gặp bạn? Câu trả lời là KHÔNG. Bạn sẽ thương lượng với họ rằng- “Tôi đã đặt lịch hẹn vào thời điểm đó. Tôi có thể gặp bạn lúc 1 giờ chiều hoặc sau 3 giờ chiều, điều đó có phù hợp với lịch của bạn không? ”
  6. Trong cuốn sách “7 thói quen của người thành đạt” – Stephen Covey, ông chia các hoạt động thành 4 loại:

    + Không quan trọng / Không khẩn cấp

    + Khẩn cấp / Không quan trọng,

    + Khẩn cấp / Quan trọng

    + Không khẩn cấp / Quan trọng.

    Hầu hết mọi người coi mục Khẩn cấp / Không quan trọng là nhiệm vụ quan trọng nhất. Tuy nhiên, nhiệm vụ Khẩn cấp / Không quan trọng chỉ đáp ứng các yêu cầu khẩn cấp của người khác. Suy cho cùng, coi hạng mục này là quan trọng nhất không giúp chúng ta đạt được mục tiêu của mình. Hãy kiểm soát thời gian và công sức dành cho những nhiệm vụ này. Bạn nên kiểm soát thời gian từng bước một. Với thời gian chặt chẽ trên lịch làm việc hằng ngày sẽ đưa bạn đến gần hơn với mục tiêu của mình.

  7. Xem xét những thuận lợi / thách thức của bạn trong việc đáp ứng thời gian biểu và điều chỉnh khi cần thiết. Hãy trung thực với bản thân và tự đặt câu hỏi “Tại sao tôi phải làm như vậy” – hãy nghĩ rằng bạn đang cố gắng đạt được mục tiêu và việc đạt được mục tiêu quan trọng với bạn thế nào.
  8. Tìm một người cố vấn để giúp bạn đi đúng hướng. Tất cả chúng ta đều có thể hỏi ý kiến của họ bất kể khi nào – Luôn nhớ rằng, có một nhà huấn luyện là thế mạnh, không phải điểm yếu của bạn.

Ngay từ bây giờ, bạn hãy dừng việc đổ lỗi cho thời gian vì bạn hoàn toàn có thể kiểm soát thời gian của chính mình. Sự cam kết luôn là yếu tố quan trọng để giành chiến thắng trên cuộc đua thương trường.

Mary Nguyễn – Marketing Team