Và theo chuyên gia coaching này, thói quen trên sẽ gây ra vô vàn hậu quả xấu nghiêm trọng cho doanh nghiệp, đầu tiên là nhân viên sẽ không tin phục người quản lý của mình và dễ bỏ đi.

Chị Nguyễn Thị Bích Hằng – CEO của ActionCOACH CBD Firm

Chị Nguyễn Thị Bích Hằng đang là một trong những cái tên nổi bật nhất ở nghề huấn luyện kinh doanh – coaching business tại thị trường miền Nam. Ngoài vai trò CEO của ActionCOACH CBD Firm – công ty nhượng quyền hệ thống huấn luyện lớn nhất châu Á – Thái Bình Dương ActionCOACH, chị còn là dịch giả của cuốn sách chuyên về quản lý – vận hành doanh nghiệp mang tên “Khởi đầu của những điều vĩ đại”.

Với rất nhiều kinh nghiệm trong suốt nhiều năm đi huấn luyện các doanh nghiệp, chị Nguyễn Thị Bích Hằng đã có khá nhiều chia sẻ tâm huyết trong buổi ra mắt cuốn sách thứ hai “Khởi đầu của những điều vĩ đại”, đáng cho các chủ doanh nghiệp Việt phải suy ngẫm.

Thói quen khó thay đổi nhất đối với các chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam đó chính là hay thay đổi chiến lược giữa chừng.

Tự dưng mọi chuyện đang chạy, vị giám đốc ra ngoài có việc gì đó, nghe ai xúi hoặc cảm thấy chưa hài lòng với vấn đề nào đó ở thời điểm hiện tại, sau đó về công ty bắt nhân viên dừng lại chiến lược cũ và thay bằng chiến lược mới mà vị giám đốc đó vừa mới nghĩ ra.

Với kiểu làm việc tùy hứng như thế, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Đầu tiên, bạn đã đổ rất nhiều công sức và tài lực cho chiến lược cũ, nếu dừng lại và chuyển sang chiến lược mới, tức là những gì bạn đã bỏ ra là vô ích. Thứ hai, không nhân viên nào thích phục vụ cho một lãnh đạo như thế, họ sẽ rất nản lòng nếu bạn bắt họ thay đổi chiến lược nhiều lần. Cuối cùng, một chiến lược kinh doanh phải đi đến giai đoạn cuối cùng mới biết là nó hiệu quả và như những gì mình mong muốn hay không.

Đây là lỗi mà nhiều ông bà chủ ở Việt Nam mắc phải, trong đó có tôi. Trước đây, 1 trong 2 điều mà các nhân viên của tôi luôn muốn tôi thay đổi là ‘xin chị đừng thay đổi chiến lược giữa chừng nữa!’”, chị Bích Hằng chia sẻ.

Ngoài thói quen xấu đó, chị Bích Hằng còn nêu ra một vài điểm chưa tốt trong quản lý doanh nghiệp của các chủ doanh nghiệp Việt Nam, mà một phần bởi tác động của văn hóa.

Chị Bích Hằng và ông Andrew Johnston trong buổi ra mắt cuốn sách “Khởi đầu của những điều vĩ đại”.

Một ngày có 24 giờ, nhưng người Việt chúng ta có cái thói quen xấu là làm gì cũng từ từ, nên thậm chí đi qua một ngày mà chúng ta cũng không biết mình đã làm được gì trong ngày hôm đó và tạo ra được giá trị gì.

Chuyện thứ hai là ý thức tuân thủ luật lệ và quy tắc kém. Chúng ta không tuân thủ luật giao thông nên chúng ta thường xuyên bị kẹt xe. Khi chúng ta đi ra thế giới, chúng ta sẽ thấy hạ tầng giao thông của chúng ta thậm chí còn tốt hơn nhiều nước, nhưng chúng ta vẫn kẹt xe.

Chúng ta đi nhà hàng ăn uống và để lại đồ thừa rất nhiều mà không mang về, hay những chai nước suối trong các chương trình coach mà chúng tôi tổ chức, các bạn cũng chỉ uống vài ngụm rồi để lại gần hết chai, tất nhiên nước đó cũng bị đổ đi, hết sức lãng phí.

Chúng ta cần phải ngồi xuống, viết ra ước mơ và nguyện vọng của mình, rồi xem văn hóa và tính cách của bản thân, cái nào cản trở bạn đi đến giấc mơ và mục tiêu, chúng ta nên thay đổi chúng. Ví dụ: chúng ta sẽ ngồi lại lập kế hoạch quản lý thời gian mỗi ngày, những công việc cụ thể trong 24 tiếng; tuân thủ luật lệ mỗi khi ra đường và trong lúc điều hành doanh nghiệp…”, chuyên gia coaching này khuyến nghị.

Theo đó, khi dịch sách hoặc nhượng quyền các thương hiệu về huấn luyện doanh nghiệp, chị Bích Hằng không muốn địa phương hóa chúng mà muốn giữ nguyên theo chuẩn quốc tế. Mục đích của chị là muốn hướng các doanh nghiệp Việt bỏ thói quen xấu, phát huy thói quen tốt để các doanh nghiệp Việt cũng có một hệ thống quản lý – quản trị khoa học như doanh nghiệp các nước khác. Để các doanh nghiệp Việt Nam khi mở rộng thị trường ra nước ngoài sẽ không gặp bất cứ rào cản nào.

Tiếp lời, ông Andrew Johnston – Nhà huấn luyện Doanh nghiệp Toàn cầu với 20 năm kinh nghiệm huấn luyện doanh nghiệp trên khắp thế giới và là tác giả của sách “Khởi đầu của những điều vĩ đại“, thì điểm yếu lớn nhất của các doanh nghiệp Việt là thiếu tự tin. Khi ra nước ngoài, các doanh nghiệp Việt thường không biết làm sao giới thiệu sản phẩm của mình một cách ấn tượng nhất và cũng không có những chương trình PR-marketing thích đáng, thể hiện mình là doanh nghiệp Việt và sản phẩm của mình chỉ có chất lượng mà người Việt mới có thể làm được.

Quỳnh Như

Theo Trí Thức Trẻ